Nằm khiêm tốn gần góc ngã tư Nguyễn Thượng Hiền – Điện Biên Phủ, hàng chục năm nay, tiệm đồng hồ A Cao (326 Nguyễn Thượng Hiền, phường 4, quận 3, TP HCM) là địa điểm được giới chơi đồng hồ cổ tại TP thường xuyên lui tới. Chủ tiệm là ông Quách Cao, một cao thủ sửa chữa và phục chế đồng hồ cổ hàng đầu tại TP HCM.
Thành danh nhờ… học lỏm
Chúng tôi ghé thăm cửa tiệm khi ông Cao đang tư vấn cho khách hàng quen về tính năng của một đồng hồ đeo tay cổ. Chỉ mất 15 phút săm soi với vài thao tác đơn giản như lắc nhẹ và áp vào tai để nghe tiếng máy chạy, ông đã nhanh chóng chỉ ra vài khuyết tật của chiếc đồng hồ trong sự ngỡ ngàng của khách. “Anh cứ để đồng hồ ở tiệm cho tôi sửa. Nếu máy chạy không ngon, tiệm sẽ không lấy tiền” – ông Cao quả quyết.
Cha ông Cao gốc người Triều Châu. Tuổi thơ của ông là chuỗi ngày khốn khó khi vừa lên 5 tuổi đã phải theo cha mẹ rày đây mai đó kiếm sống. Dắt díu gia đình rời Sóc Trăng lên Sài Gòn sinh nhai từ năm 1958, mong muốn đơn giản của cha ông lúc đó là tìm kiếm cơ hội đổi đời.
Ở nơi đất khách không bà con thân thuộc, cha mẹ ông làm đủ thứ nghề để có thể trụ lại thành phố, chủ yếu là làm mướn. “Khoảng thời gian cơ cực ấy đã rèn cho anh chị em tôi tính tự lập ngay từ nhỏ” – ông Cao cho biết.
Cơ duyên đến với nghề sửa đồng hồ của ông Cao rất tình cờ. Sau ngày đất nước hoàn toàn thống nhất, trong một lần dạo chơi ở khu vực trung tâm quận 1, ông tình cờ nghe lỏm được câu chuyện săn lùng đồng hồ Rolex cổ của 2 vị khách Hồng Kông. Sự quan tâm đặc biệt của 2 vị khách lúc ấy đã mách bảo cho ông biết giá trị thực của những chiếc đồng hồ Rolex cổ có độ tuổi hàng chục năm.
Với vốn tiếng Hoa sẵn có, ông mạnh dạn đặt vấn đề tìm nguồn hàng với 2 vị khách này. Khéo léo tận dụng các mối quan hệ xã hội sẵn có, ông thành công bước đầu trong việc săn lùng đồng hồ cổ và bán lại cho khách kiếm lời.
Chính từ quá trình giao dịch ấy, ông Cao đã bị vẻ đẹp tinh xảo của những chiếc đồng hồ cổ mê hoặc, vậy là ý tưởng học nghề sửa đồng hồ cổ nảy sinh. Cách học nghề của ông Cao không giống ai. Từ những chiếc đồng hồ cổ tìm mua được, ông đến các tiệm nhờ sửa giùm với mục đích học lóm. Chịu khó quan sát nên chỉ mất chưa đầy 3 tháng, ông đã có thể lắp ráp hoàn chỉnh đồng hồ.
“Lấy tờ giấy vẽ 50-60 ô vuông và đánh dấu thứ tự các bộ phận rồi tập tháo xuôi, ráp ngược là cách tôi rèn nghề và đúc kết kinh nghiệm cho riêng mình” – ông Cao cho biết. Chút vốn liếng tích cóp được từ việc mua bán, năm 1978, ông tự đóng một chiếc tủ đồng hồ và bắt đầu quá trình lập nghiệp.
Lắng nghe “hơi thở” đồng hồ
“Người làm nghề sửa đồng hồ cổ tại TP HCM không nhiều. Người có biệt tài phân biệt đồng hồ thật – giả như ông Cao lại thuộc hàng hiếm” – anh Nguyễn Minh Toán, một người chuyên sưu tầm đồng hồ cổ tại TP HCM, đánh giá.
Nhắc đến khả năng phân biệt đồng hồ thật – giả của ông Cao, giới sưu tầm đồng hồ cổ tôn xưng ông là “người có đôi tai thần kỳ”. Theo ông Cao, kỹ năng ấy có được là nhờ sự rèn luyện. Mỗi khi mua được một chiếc đồng hồ cổ, ông thường mở bung máy móc để tìm hiểu, phân tích nguyên lý hoạt động. Sự kiên nhẫn ấy đã giúp ông tích lũy được nhiều kinh nghiệm quý trong việc “chẩn bệnh” và đưa ra hướng phục chế tốt nhất. Nhờ sự chỉn chu ấy, nhiều chiếc đồng hồ cũ gỉ sét không còn hoạt động được qua bàn tay tài hoa của ông Cao đã khôi phục gần như nguyên bản.
Đam mê nghề nghiệp ở ông Cao còn thể hiện qua việc tích lũy kiến thức trong quá trình hàng chục năm dày công sưu tầm đồng hồ cổ. “Mỗi chiếc đồng hồ có giá trị riêng và gắn liền với những chuyển động của lịch sử. Muốn sưu tầm, sửa chữa và phục chế thành công, đòi hỏi người thợ phải có kiến thức” – ông Cao đúc kết.
Cách đây không lâu, để thử tài ông Cao, một vị khách Singapore đã mang đến một chiếc đồng hồ Rolex cũ nhờ thẩm định. Không mất quá nhiều thời gian, chỉ cần lắc nhẹ và nghe tiếng máy, ông đã phán đoán chính xác năm sản xuất, model máy. Chứng kiến tài nghệ của ông, vị khách này hết sức thán phục.
Qua bàn tay nhào nặn của ông Cao, nhiều người thợ ở tiệm đã thành danh, được các hãng đồng hồ nổi tiếng mời về làm việc với thu nhập hàng chục triệu đồng mỗi tháng. “Tôi học ở chú Cao sự nhẫn nại, khắt khe với bản thân và biết cách giữ chữ tín” – anh Cao Thiện Tâm, một người thợ lâu năm ở tiệm, nhận xét.
Ở tuổi 61, ông Cao ấp ủ ước mơ mở một trường nghề dạy sửa chữa đồng hồ cổ. “Nghề sửa đồng hồ cổ đòi hỏi sự nhẫn nại và tinh thần cầu tiến ở người thợ, do vậy lớp trẻ ít ai chịu theo đuổi. Thực tế, nghề càng khó học, càng khó làm thì thu nhập người thợ càng cao” – ông Cao bộc bạch.
Theo NLD.COM.VNNghề Sửa Đồng Hồ