Những mẫu đồng hồ tiêu biểu đã làm nên lịch sử đồng hồ Seiko – Niềm tự hào của Nhật Bản

0
3682
Grand-Seiko-Spring-Drive-Chronograph-GMT-SBGC013
Grand Seiko Spring Drive Chronograph GMT SBGC013

Từng là là biểu tượng, là “vũ khí tán gái” một thời bao cấp đầy biến động cùng với những Honda 67, Suzuki Crystal… Được thành lập năm 1881 ở Tokyo, từng là một trong những thương hiệu đồng hồ đại chúng phổ biến nhất thế giới. Ít ai biết được Seiko có 1 lịch sử xa xưa nhiều thăng trầm không kém gì các tên tuổi đồng hồ Thụy Sĩ.
Hãy cùng điểm qua đôi nét về Seiko qua những chiếc đồng hồ để lại nhiều “dấu ấn” lịch sử của hãng.

1. Seikosha Timekeeper (1895)

Người sáng lập nên Seiko, Kintaro Hattori chỉ mới 21 tuổi khi ông mở shop buôn bán và sửa chữa đồng hồ K. Hattori ở quận Kyobashi, Tokyo. 10 năm sau, Hattori hợp tác với một kỹ sư tên là Tsuruhiko Yoshikawa thành lập nhà máy sản xuất đồng hồ Seikosha, tiền thân của Seiko ngày hôm nay. Sau 3 năm đầu chỉ sản xuất đồng hồ treo tường, vào năm 1895, Seikosha cho ra mắt những chiếc đồng hồ bỏ túi, gọi đơn giản là Timekeeper. Seikosha Timekeeper có bộ vỏ bằng bạc đường kính 54.9mm và sử dụng bộ máy nhập khẩu từ Thụy Sĩ, cái tên Timekeeper là do chủ ý của Hattori khi ông nhận ra rằng một cái tên tiếng Anh sẽ giúp cho Seikosha mở rộng khả năng xuất khẩu trong tương lai.

Seikosha Timekeeper 1895
Seikosha Timekeeper sản xuất năm 1895

2. Laurel (1913)

Rất nhanh chóng, Hattori nhận ra mỏ vàng trong thị trường đồng hồ đeo tay, khi đó vẫn chưa phổ biến và ông tiên liệu nhu cầu về đồng hồ đeo tay sẽ nhanh chóng vượt xa và thay thế dần đồng hồ bỏ túi. Kết quả của phán đoán đó là sự ra đời năm 1913 của Laurel. Khi đó, các công nghệ trong sản xuất đồng hồ hầu hết vẫn phải dựa vào nhập khẩu từ châu Âu, nhưng Laurel ra đời đã đánh dấu một cột mốc quan trọng – Seikosha đã có thể tự khảm men cho những chiếc đồng hồ của mình.

Seiko Laurel 1913
Đồng hồ Seiko Laurel sản xuất năm 1913

3. First Seiko Watch (1924)

Thảm họa động đất Kanto năm 1923 đã phá hủy hoàn toàn Seikosha, từ nhà máy đến kho lưu trữ và các đồng hồ đang sản xuất dang dở. Mặc dù vậy, Hattori vẫn không mảy may e ngại mà ngược lại vẫn có thể tái xây dựng lại Seiko một cách nhanh chóng. Một năm sau đó, tức năm 1924, chiếc đồng hồ mang logo Seiko trên mặt số đầu tiên ra đời (Seiko là từ viết tắt của Seikosha, trong tiếng Nhật có nghĩa là Xưởng Sản Xuất Kỹ Nghệ Cao Cấp).
Việc chọn 1 cái tên thuần Nhật và khó phổ biến như vậy chứng tỏ Hattori đã đủ tự tin chất lượng của những chiếc đồng hồ Seiko sẽ lấn át và làm bá chủ ở phân khúc đồng hồ phổ thông thay cho các đồng hồ châu Âu đắt đỏ với những tiêu chuẩn khắt khe và không bình dân.

Đồng hồ Seiko đầu tiên 1924
Đồng hồ Seiko đầu tiên sản xuất năm 1924

4. Seiko Marvel (1956)

Seiko đã nhận định Seiko Marvel sẽ trở thành một chiếc đồng hồ mở ra một kỷ nguyên mới trong lịch sử của hãng – tự sản xuất bộ máy mà không phải nhập khẩu từ Thụy Sĩ hay bất cứ đâu nữa. Không chỉ có thế, Seiko Marvel còn có hệ thống chống sốc có tên gọi Diashock do hãng phát minh, sau này là một tiêu chuẩn trên mọi đồng hồ Nhật. Seiko Marvel ngừng sản xuất năm 1959, được thay thế bởi Seiko Gyro Marvel với bộ máy tự động cao cấp hơn.

Seiko Marvel 1956
Seiko Marvel sản xuất năm 1956

5. First Grand Seiko (1960)

Đây được xem là chiếc đồng hồ tốt nhất mà Seiko từng sản xuất, bộ máy cơ Caliber3180 đính 25 viên đá quý và có tần số 18.000 vph, là một trong những chiếc đồng hồ chạy chính xác nhất thế giới. Bất kỳ chiếc First Grand Seiko nào xuất xưởng cũng được cấp chứng nhận kiểm định chất lượng của Seiko (những tiêu chí kiểm định thậm chí còn khắc khe hơn cả chứng nhận chất lượng của Hiệp hội đồng hồ Thụy Sĩ với đồng hồ chronometer).

Grand Seiko đầu tiên 1960
Grand Seiko đầu tiên sản xuất năm 1960

6. Seiko Crown Chronograph (1964)

Với những thành tựu lẫy lừng trong ngành đồng hồ Nhật Bản, không ngạc nhiên khi thương hiệu sản xuất đồng hồ chronograph đầu tiên của Nhật. Câu chuyện bắt đầu vào kỳ Olympic năm 1964 được tổ chức tại Tokyo mà Seiko là nhà tài trợ chính thức về đồng hồ. Seiko đã cung cấp hơn 1.200 chiếc đồng hồ bấm giờ các loại cho các trọng tài, và để kỷ niệm sự kiện này, Seiko đã khéo léo tung ra mẫu đồng hồ chronograph đầu tiên của hãng là Seiko Crown Chronograph vào đúng dịp được nhiều người chú ý. Crown Chronograph sử dụng máy Caliber 5719 được đính 21 viên đá quý.

Seiko Crown Chronograph 1964
Seiko Crown Chronograph 1964

Chi tiết về tính năng Chronograph của đồng hồ.

7. Seiko Diver’s 150M (1965)

Chỉ một năm sau khi ra mắt chiếc đồng hồ chronograph đầu tiên của Nhật, Seiko cũng nhanh chóng công bố chiếc đồng hồ đầu tiên dành cho thợ lặn – Seiko Diver’s 150M. Rất đơn giản như cái tên của chính mình, chiếc đồng hồ này có bộ vỏ thép không gỉ đường kính 38mm, dày 13.4mm, chống nước ở độ sâu tối đa 150m, viền xoay 2 chiều, sử dụng bộ máy automatic Caliber 6217 (đính 17 đá, tần số 18.000vph).

Seiko Diver’s 150M 1965
Seiko Diver’s 150M 1965

Ở thời điểm đó, lặn chưa phải là môn thể thao phổ biến, vì vậy nên Seiko Diver’s 150M là một chiếc đồng hồ rất đặc biệt. Khi môn lặn phổ biến dần dần, Seiko mới sàng lọc lại những chiếc đồng hồ “diver” (thợ lặn) của hãng. Năm 1968, Seiko Diver’s 300M ra đời thay thế cho phiên bản cũ với tần số hoạt động và độ sâu tối đa gấp đôi và đến năm 1975, chiếc đồng hồ dành cho thợ lặn chuyên nghiệp đầu tiên của hãng ra đời – Seiko Professional Diver’s Watch với mức chống nước tối đa lên đến 1.000m và cũng là chiếc đồng hồ đầu tiên trên thế giới có vỏ Titanium.
Những tiêu chuẩn mà Seiko áp dụng cho đồng hồ diver của hãng sau này cũng chính là chuẩn ISO dành cho mọi chiếc đồng hồ diver khác trên thế giới và vẫn còn được áp dụng cho tới ngày hôm nay.

Tìm hiểu thêm về đồng hồ lặn của Seiko

8. Seiko 5 Sports Speed Timer (1969)

Năm 1969 là một năm nhiều dấu ấn trong lịch sử ngành đồng hồ thế giới, được gọi tên là “Cuộc chiến kiêu hùng về đồng hồ tự động chronograph” giữa một bên là các “vương gia” đến từ Thụy Sĩ và một bên là “nhà quý tộc” Nhật Bản – sau này là nhà sản xuất đồng hồ chronograph lên dây tự động đầu tiên trên thế giới.
Kết quả của cuộc thư hùng này là sự ra đời của rất nhiều cái tên mà giờ đây đã trở thành biểu tượng một thời, Breitling Chrono-Matic, Zenith El Primero và Heuer Monaco. Nhưng chiếm vị trí số 1 về thị phần là 5 Sport Speed Timer của Seiko. Đây là chiếc đồng hồ chronograph lên dây tự động đầu tiên trên thế giới.

Seiko 5 Sports Speed Timer 1969
Seiko 5 Sports Speed Timer 1969

9. Seiko Quartz Astron (1969)

Trong năm lịch sử đại thắng các đối thủ Thụy Sĩ ở lĩnh vực đồng hồ chronograph, Seiko cũng cho ra đời Seiko Quartz Astron làm cho hầu hết các thương hiệu đồng hồ khi đó đứng trước nỗi sợ hãi thành “đồ lỗi thời” bởi công nghệ của mình.
Seiko Quartz Astron là chiếc đồng hồ đeo tay ứng dụng công nghệ điện tử thạch anh đầu tiên trên thế giới, các dao động của nguyên tử thạch anh giúp cho Quartz Astron đạt độ chính xác quá ấn tượng ở thời điểm đó, chỉ lệch 5 giây trong 1 tháng, vượt xa các bộ máy cơ thời điểm đó. Bộ máy gọn nhẹ, mỏng, bảo toàn năng lượng qua hoạt động của kim giây, Quartz Astron trở thành một chuẩn mực mới cả về thiết kế lẫn công nghệ trong ngành công nghiệp đồng hồ đeo tay.

Seiko Quartz Astron 1969
Seiko Quartz Astron 1969

10. Seiko A.G.S “Kinetic” (1988)

Mặc dù không thể “công phá” các đối thủ Thụy Sĩ, Seiko vẫn chưa từ bỏ tham vọng của mình trong lĩnh vực đồng hồ cơ và tiếp tục nghiên cứu các công nghệ mới khác, đặc biệt là sau khi đại thắng ở mảng đồng hồ quartz.
Seiko giới thiệu một chiếc đồng hồ năng lượng Mặt Trời năm 1977 và một chiếc đồng hồ quartz lên dây năm 1986. Đến năm 1988, hãng mới chính thức ra mắt sản phẩm chiến lược Seiko A.G.S “Kinetic” lên dây tự động, kết hợp ưu điểm giữa đồng hồ cơ va đồng hồ quartz, các chuyển động cánh tay của người đeo được chuyển thành năng lượng cung cấp cho bộ máy quartz hoạt động.

Seiko A.G.S “Kinetic” 1988
Seiko A.G.S “Kinetic” 1988

11. Seiko Spring Drive Spacewalk (2008)

Năm 1999, Seiko công bố một công nghệ khác của hãng qua chiếc đồng hồ sử dụng bộ máy có tên là “Spring Drive”, sử dụng dao động của con lắc quartz nhưng được cung cấp bởi một bộ dây cót, lốc máy tương tự như đồng hồ cơ cổ điển. Sau khi ra mắt, Seiko Spring Drive trở thành một trong những phiên bản thuộc bộ sưu tập Grand Seiko.
Quý tộc nhất trong số này có lẽ là Spring Drive Spacewalk, được Richard Garriott, một nhân vật tên tuổi trong làng video-game khi đó, đặt hàng riêng cho cha ông, Owen Garriott – một phi hành gia của NASA sắp tham gia chuyến bay đến Trạm Vũ Trụ Quốc Tế, cái tên Spacewalk cũng là do chủ ý của Richard.
Seiko Spring Drive Spacewalk được thiết kế hết sức đặc biệt dành cho những chuyến bay ngoài không gian, chỉ xuất xưởng 100 chiếc và là một trong những chiếc đồng hồ hiếm nhất của Seiko.

Seiko Spring Drive Spacewalk 2008
Seiko Spring Drive Spacewalk 2008

12. Seiko Astron GPS Solar (2012)

Chủ tịch kiêm giám đốc điều hành hiện tại của Seiko, Shinji Hattori (hậu nhân của Kintaro Hattori, người sáng lập nên Seiko) đã tuyên bố sẽ hồi sinh dòng sản phẩm huyền thoại Astron của hãng với công nghệ năng lượng Mặt Trời và GPS.
Seiko Astron GPS Solar tham dự triển lãm quốc tế Baselworld 2012 và gây tiếng vang lớn, được giới thiệu không khác gì phiên bản Astron cũ nhưng lần này, Astron GPS Solar được trang bị công nghệ năng lượng Mặt Trời có thể nhận tín hiệu từ vệ tinh và điều chỉnh giờ chính xác ở mọi nơi trên Trái Đất. Nó có thể nhận ra 39 múi giờ khác nhau và có một nút reset tay.

Seiko Astron GPS Solar 2012
Seiko Astron GPS Solar 2012

Ngày nay, đồng hồ Seiko vẫn tiếp tục phát triển mạnh mẽ, với đa dạng mẫu thiết kế và chất lượng sánh ngang với các thương hiệu Thụy Sỹ. Với niềm tự hào luôn được người Nhật nhắc đến như một sự vinh danh cho những cố gắng của hãng.

 

Nguồn : thutrang82