Có một thế giới tĩnh lặng đến lạ nơi phồn hoa đô hội đất Kinh kỳ. Chỉ có tiếng tích tắc đều đều, tiếng chuông ngân nga của thời gian… Thế giới đó là của ông Đào Văn Dư, ở Hàng Phèn, người thợ sửa đồng hồ tài hoa bậc nhất Kinh kỳ .
Thế giới trong tay người thợ trẻ
Ngay từ nhỏ, Đào Văn Dư đã tỏ ra hứng thú đặc biệt với những kim ngắn, kim dài, bánh xe, quả lắc… của chiếc đồng hồ. Có lẽ đó là do kế thừa “gen di truyền” từ cụ thân sinh của ông cũng là một thợ sửa chữa đồng hồ có tiếng ở miền Bắc những năm 30 của thế kỷ trước.
Do tò mò và ham học hỏi, ông Dư đã theo bố làm thuê cho một tiệm sửa đồng hồ có tên là Vạn Sinh ở Hà Nội. Năm 14 tuổi, ông Dư đã tự tay mày mò sửa chữa được những chiếc đồng hồ đơn giản bị hư hỏng.
Theo học ngành sư phạm một thời gian, ông trở về với niềm đam mê đích thực là được làm một anh thợ sửa đồng hồ. Nhưng khác với các đồng nghiệp, ông Dư không chỉ học hỏi kinh nghiệm, cần mẫn thực hành với những ngưòi thợ sửa đồng hồ lớp trước mà ông còn bỏ thời gian tìm tòi nguyên lý họat động cũng như lý giải những sự cố của mỗi loại đồng hồ khác nhau. Chính vì sự khoa học trong cách làm nghề ấy mà khi còn trẻ, ông Dư đã rành đồng hồ đến nỗi dù đồng hồ loại nào, hỏng hóc khó đến mấy ông cũng có thể sửa được.
Cũng vào lúc này, khoảng năm 1960, Nhà nước mở cơ sở quốc doanh sửa chữa đồng hồ đầu tiên ở Hà Nội, ông đã đảm nhận vị trí phụ trách kỹ thuật với tay nghề bậc 5/7, bậc thợ cao nhất lúc bấy giờ. Năm 1975, Thụy Sỹ viện trợ xây dựng Trung tâm Công nhân kỹ thuật chuyên đào tạo lắp ráp, sửa chữa đồng hồ tại Hà Nội (55 Hàng Bông).
Đây là một trong 20 trung tâm lớn nhất, hoàn chỉnh nhất của cả thế giới về lĩnh vực này. Ông đã được bổ nhiệm làm Trưởng phòng đào tạo của trung tâm. Lúc ấy, nói không ngoa, cả thế giới đồng hồ đã gần như “trong tầm tay” của người thợ trẻ.
Bảy tấm bằng từ vương quốc đồng hồ
Năm 1979, ông Đào Văn Dư được Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội cử đi tu nghiệp tại Trung tâm đồng hồ quốc tế Wostep (Thụy Sỹ). Khi tham gia các khóa học và thực hành, ông là một trong những người đạt kết quả tốt nhất.
Mười một năm sau đó, ông quay trở lại Thụy Sỹ tham dự Hội nghị Quốc tế về đồng hồ rồi tham gia học tại Wostep và được kết hợp đào tạo tại năm nhà máy đồng hồ của các hãng nổi tiếng như Omega, Rado, Longines…
Kết thúc khóa học, ông Dư nhận thêm năm tấm bằng chứng nhận của các thương hiệu đồng hồ hàng đầu thế giới này để trở thành một trong những người có nhiều bằng nghiệp vụ đồng hồ nhất khu vực châu Á. Trong đó, tấm bằng Diploma của hãng Rado ghi nhận “Ngài Dư đã chứng minh mình là chuyên gia xuất sắc nhất và hiểu tường tận về đồng hồ Rado.”
Ngay sau những khóa đào tạo tại Thụy Sỹ, ông Dư được các hãng đồng hồ hàng đầu thế giới đánh tiếng hoặc trực tiếp mời về làm việc với mức lương hàng nghìn USD/tháng nhưng ông đã từ chối. Ông nói: “Nhà nước cử mình đi là để học tập, mình phải đem kiến thức về truyền đạt cho các lớp thợ đi sau, ở lại làm sao được.”
Không chỉ thể hiện tài năng hiếm có với những chiếc đồng hồ dân dụng, ông Dư còn đạt được một sự nghiệp đáng tự hào trong việc chế tạo đồng hồ hẹn giờ gắn vào bom mìn cho bộ đội đặc công đánh Mỹ; tham gia sửa chữa, bảo dưỡng các loại đồng hồ mật mã của máy bay chiến đấu, đồng hồ của pháo binh; lắp đặt và bảo dưỡng hệ thống đồng hồ công cộng của thủ đô Hà Nội, trong đó có chiếc đồng hồ nổi tiếng ở Bưu điện Bờ hồ Hoàn Kiếm…
Ông kể: “Sửa chữa đồng hồ với tôi không khó, nhưng làm đồng hồ hẹn giờ để gắn vào mìn, hỏa lôi thì tôi chưa làm bao giờ. Đồng hồ thường làm bằng kim loại chỉ có một cực, còn đồng hồ hẹn giờ phải có hai cực, đồng thời làm sao phải thiết kế cho đúng giờ thì các mạch điện chập lại gây nổ.
Qua một thời gian nghiên cứu, tôi đã có thể chế tạo ra những chiếc đồng hồ hẹn giờ mà khi thử với khí tài rất chính xác. Từ cuối năm 1967 đến năm 1972, tôi tham gia chế tạo hàng trăm chiếc đồng hồ hẹn giờ gửi vào chiến trường, giúp cho bộ đội đặc công đánh phá cơ quan đầu não của địch.”
Năm nay đã ở cái tuổi ngoài 70, ông Dư và người con trai là anh Đào Vũ Hải đang duy trì một cửa hàng sửa chữa đồng hồ tại góc phố cổ số 29 Hàng Phèn. Anh Hải theo nghề của ông như một nghề gia truyền, một cái nghiệp không thể thay đổi. Nhưng ông vẫn không nguôi trăn trở cho tương lai của nghề này.
Thoáng chút trầm ngâm, người thợ sửa đồng hồ tài hoa bậc nhất Kinh kỳ chậm rãi bảo: “Sửa chữa đồng hồ là một nghề rất khó. Mất ba năm học ở trường và mười năm nhập nghề người thợ mới tích lũy đủ kinh nghiệm để theo đuổi nghề. Bây giờ mở cơ sở hành nghề còn phải trang trải chi phí mặt bằng và nhiều thứ thuế má khác. Ngoài ra, ngành công nghiệp sản xuất đồng hồ đang lao đao vì sự đe doạ của điện thoại di động. Những người sửa chữa đồng hồ ngày càng ít. Nhiều người không còn muốn theo nghề sửa đồng hồ nữa”./.
Theo Vietnamplus.vn