Tíc tắc, tíc tắc, leng keng, leng keng, âm thanh của những chiếc đồng hồ đủ mọi chủng loại lại bất chợt ngân lên trong một căn phòng nhỏ của những người thợ – sửa – thời – gian.
Trong không gian này, đây là thứ âm thanh duy nhất, bởi chẳng ai cất lên lời nói. Họ cứ lẳng lặng tập trung duy trì nhịp đập cho từng chiếc đồng hồ.
Nếu thái độ dần hình thành nên con người thì thời gian dần hình thành nên tuổi tác. Dù được thể hiện bằng những đơn vị cụ thể nhưng thời gian lại mang tính tương đối, ngày hôm nay đã là tương lai của ngày hôm qua, nhưng sẽ là quá khứ của ngày mai. Và thời gian vốn là món quà kỳ lạ nhất của tạo hoá, không những không thể kéo dài, mà thậm chí còn mất đi không thể nào lấy lại được. Đâu đó thấp thoáng trên những con phố, có những con người đang miệt mài cặm cụi để duy trì nhịp chuyển dịch của thời gian.
Từ thập kỷ 30 của thế kỷ trước, mỗi góc phố Hà Nội thường có một người thợ sửa đồng hồ. Nhiều người cho rằng đây đơn giản chỉ là một nghề nặng tính kỹ thuật.
Theo lời kể của ông Phương, kế nghiệp từ cha với thâm niên đã hơn 40 năm, có những thời kỳ, xã hội có những định kiến tiêu cực đối với các thợ sửa đồng hồ, cho rằng thu nhập của họ quá cao so với người lao động bình thường, một dạng làm chơi ăn thật. Bước qua giai đoạn đó, nghề này lại được trân trọng khi nhu cầu bày tỏ hình thức, nhu cầu sưu tập hoặc lưu giữ những giá trị cổ được nâng lên.
Anh Vượng, với 30 năm trong nghề, coi mỗi chiếc đồng hồ như một người bạn. Anh nói rằng, làm gì cũng phải có tâm, đặc biệt với nghề sửa đồng hồ này. Khách hàng chỉ biết được đồng hồ đã được sửa và không thể nhìn thấy bên trong nó được sửa thế này. Nếu chỉ làm vì tiền, không có đam mê thì những chiếc đồng hồ không thể nào bền được.
Góc làm việc của những người thợ sửa đồng hồ. Những linh kiện nhỏ li ti xếp đặt thành từng lớp, như những lát cắt của quá khứ, hiện tại và tương lai chồng lấn lẫn lên nhau. Với nghề đồng hồ, khó có thể định danh người thợ giỏi hay không giỏi; đối với họ, công việc này đòi hỏi sự kiên trì, độ khéo léo và quan trọng nhất là cái tâm, lòng đam mê.
Họ chia sẻ: “Làm nghề này lâu năm, chúng tôi thường bị hại mắt, đau lưng, đau dạ dày. Đấy là những gì mà quá khứ để lại cho hiện tại”.
Hiện tại và tương lai đều do quá khứ chi phối. Thậm chí có những quá khứ mạnh mẽ, trở thành nguồn sản sinh của những ý tưởng, tạo ra bản chất gốc của một con người.
Hành vi, thói quen, tính cách, số phận đều chịu sự chi phối rất lớn của quá khứ. Phải chăng, con người hiện tại chính là hệ quả của quá khứ xét theo quan điểm thời gian? Ngắm những người thợ sửa đồng hồ làm việc, tôi chợt nhớ tới điều mà nhà văn Patrick Modiano từng viết: “Trong cuộc đời, không phải tương lai, mà quá khứ mới là đáng kể”.
Theo Laodong.com.vn