1Lịch sử đầy đủ nhất về nàng Mona Lisa của thế giới đồng hồ : the Breguet No.160 “Marie-Antoinette”
Tác phẩm Mona Lisa của thế giới đồng hồ. Chiếc chén thánh của ngành chế tác đồng hồ.
Đây là một số định nghĩa được sử dụng cho chiếc đồng hồ Breguet đặc biệt số hiệu 160 có tên Marie-Antoinette, cũng là tên của Nữ hoàng Pháp vào thời Cách mạng Pháp.
Nhiều chuyên gia coi nó như là chiếc đồng hồ quan trọng nhất từng được sản xuất vì lý do công nghệ, thẩm mỹ, lịch sử và thậm chí cả cảm xúc nó mang lại thật xuất sắc.
Lịch sử của nó, kéo dài hơn hai thế kỷ, chắc chắn có thể làm chủ đề cho một cuốn tiểu thuyết hay một bộ phim.
Bây giờ chúng ta hãy quay trở lại vào cuối thế kỷ 18.
Abraham_Louis Breguet (1747-1823), vào năm 1775 khi đó ông 28 tuổi, ông đã thành lập công ty sản xuất đồng hồ của riêng mình tại Île de la Cité ở Paris. Sinh ra ở Neuchatel của Thụy Sĩ, sau đó ông chuyển đến Paris khi ông mới 15 tuổi để học nghề từ một người thợ đồng hồ ở Versailles, không lâu sau đó ông đã khiến người thầy phải ngạc nhiên với trí thông minh và kỹ năng của mình.
Breguet nhanh chóng tạo dựng tên tuổi của mình trở thành một trong những nhà chế tác đồng hồ bậc nhất thời đó ( và đến ngày nay chúng ta đã có thể xác định ông là nhà chế tác đồng hồ bậc nhất mọi thời đại). Trong vòng mười năm ông đã nhận nhiều đặt hàng từ các gia đình quý tộc quan trọng nhất của Pháp và thậm chí từ nữ hoàng Pháp – Marie Antoinette (1755-1793), một trong những người hâm mộ nhiệt tình nhất đối với đồng hồ của Breguet. Bà đang sở hữu một số sản phẩm từ sáng tạo của một thợ đồng hồ bậc thầy và đề nghị anh ta hãy chế tác một chiếc đồng hồ đầu bảng tốt nhất.
Năm 1783, Breguet nhận được một sự ủy nhiệm thông qua một thành viên của đội cận vệ của nữ hoàng Marie-Antoinette, đặt hàng một chiếc đồng hồ đặc biệt làm quà tặng cho Nữ hoàng.
Đồng hồ này phải kết hợp mọi sự phức tạp và tất cả các chức năng được biết vào thời điểm đó và sử dụng chất liệu vàng để thay thế cho chất liệu đồng (hay được sử dụng trước đây) cho bất cứ vị trí, linh kiện nào có thể. Thời gian hoàn thành và giá thành là không giới hạn đối với đơn đặt hàng này.
Tên của người đặt hàng phải không được ghi trên đơn đặt hàng và không được tiết lộ vì vậy không có gì chắc chắn về danh tính của người đó.
Theo tương truyền chính Nữ hoàng đã ra lệnh đặt hàng, nhưng hầu hết các nguồn tin cho rằng chiếc đồng hồ này đã được lệnh của bá tước Thụy Điển Hans Axel von Fersen (1755-1810), một người bạn thân của Nữ hoàng, người đã trở thành người tình của bà, dựa vào bằng chứng của giải mật mã những bức thư mà họ trao đổi trong những năm cuối của Nữ hoàng.
Tuy vậy nữ hoàng đã không bao giờ nhận được chiếc đồng hồ này, sau cuộc cách mạng Pháp bà đã bị xử tử ở Place de la Révolution vào ngày 16 tháng 10 năm 1793.
Mười bảy năm sau, Axel von Fersen qua đời trong tay của một đám đông những người theo đạo luật Stockholm, những người nghi ngờ ông đã âm mưu ám sát thái tử Charles August.
Tuy nhiên, trong suốt những năm sau đó, chiếc đồng hồ đặc biệt này này vẫn tiếp tục phát triển – được đặt số hiệu Breget No.160, ngoại trừ bảy năm, từ năm 1789 đến năm 1795, khi Breguet rời Pháp đi lưu vong ở Thụy Sĩ và Anh cho tới khi chính trị ở Pháp ổn định.
Đến năm 1827, 44 năm kể từ ngày đặt hàng và 34 năm sau khi nữ hoàng mất, đồng hồ đã được hoàn thành. Thật không may, Abraham-Louis Breguet cũng đã mất vào năm 1823 vì vậy con trai của ông là Louis-Antoine đã hoàn tất tác phẩm.
Breguet No. 160 là một chiếc đồng hồ bỏ túi với đường kính 63mm nó gồm các chức năng :
– Máy quả quýt automatic (nên nhớ đây là năm 1782)
– Lịch vạn niên
– Lịch mặt trời
– Lịch trăng sao (mặt trăng)
– Minute repeater (chuông điểm giờ phút)
– Chime (nhạc)
– Chronograph (bấm giờ thể thao)
– Temperature (nhiệt kế)
– Hệ thống chống sốc Pare-Chute (xin nhắc lại, năm 1782)
– Power-reserve (báo xăng)
– Kim giây độc lập
– Tất cả chi tiết được làm bằng vàng hồng, tất cả những góc ma sát được trang bị đá sapphire làm chân kính
– Tổng cộng 823 chi tiết, 44 năm công lao động, và vẫn được nằm trong top 5 chiếc đồng hồ phức tạp nhất thế giới hiện nay.
Tổng chi phí của hãng để sản xuất chiếc đồng hồ này, theo các văn bản của kho được lưu trữ lại, đạt mức ấn tượng là 17.070 Francs, nhiều hơn bất kỳ chiếc đồng hồ Breguet nào khác được sản xuất tại thời điểm đó. Có thể so sánh với chiếc đồng hồ bỏ túi có lịch vạn niên khác trước đây, chiếc đồng hồ nổi tiếng với số hiệu No.92 được tạo ra cho Duc De Preslin cũng chỉ được bán với số tiền 4.800 Francs.
Vào thời điểm đó, cả người đặt hàng và Marie Antoinette đã chết từ vài năm và đồng hồ có lẽ đã được giao cho Marquis de la Groye ở Provins.
Chiếc đồng hồ sau đó đã được bán lại cho các chủ sở hữu khác là :
-Năm 1887, Breguet No. 160 đã được bán tại Paris cho nhà tài phiệt,nhà sưu tầm Spencer Brunton (1846-1901)
-Năm 1901 Spencer Brunton chết, chiếc đồng hồ đã được Murray Marks (1840-1918)-nhà sưu tầm người Hà Lan mua lại.
Và bán nó vào năm 1904 cho Louis Albert Desoutter (1858-1930) – một thợ đồng hồ Pháp.
-Nhiều năm sau, chiếc đồng hồ được David Salomons (1851-1823) mua, ông là nhà sưu tầm nổi tiếng có trong tay bộ sưu tập 124 chiếc đồng hồ Breguet.
Năm 1974, Vera, con gái của David Salomons, đã tặng lại Bảo tàng Nghệ thuật Hồi giáo nằm ở thánh địa Jerusalem, và chiếc đồng hồ này được trưng bày cho đến ngày định mệnh 15 tháng 4 năm 1983, khi nó cùng với gần 100 chiếc đồng hồ khác, bỗng dưng biến mất, gây nên một vụ án chấn động thế giới đồng hồ. Từ đó, “Nữ Hoàng” được thêm mệnh danh là “Mona Lisa” của đồng hồ, còn người đánh cắp bộ sưu tập này được coi là Siêu đại ca ăn trộm của thế kỷ.
Vụ án không được phá, và dần đi vào quên lãng. Năm 2004, Nicolas G. Hayek, chủ tịch tập đoàn Swatch, tập đoàn sở hữu thương hiệu Breguet ngày nay, khi xem xét lại lịch sử của hãng, đã quyết tâm phục chế lại và thách thức tất cả người thợ đương đại của Breguet. Cùng thời điểm đấy, cây gỗ sồi ở cung điện Versailles, nơi nghỉ ngơi yêu thích của nữ hoàng Marie Antoinette, bị quật ngã bởi bão tuyết, và ông Hayek coi đây là một điềm báo, đã đề nghị mua lại cả cây này chỉ để làm cái hộp cho chiếc “Nữ Hoàng” tái bản. Riêng chiếc hộp này cũng mất vài tháng để gia công, và có giá $100,000.
Với công nghệ hiện đại, chỉ sau bốn năm, phiên bản tái bản của “Nữ Hoàng” đã được hoàn thiện và được ông Hayek giới thiệu ra công chúng tại sự kiện Baselworld 2008.
Video về quá trình chế tạo và sự kiện ra mắt phiên bản tái bản :
Trong quá trình hoàn thành phiên bản tái bản, thế giới đồng hồ lại một lần nữa được bất ngờ khi manh mối vụ trộm kia bỗng dưng được đưa ra ánh sáng. Nili Shomrat, người Israel quốc tịch Mỹ, góa phụ của Na’aman Lidor, có thông báo là được chồng dặn dò lại trên giường bệnh về một chiếc hòm trong đó có nhiều đồ vật rất quý giá, và người chồng đã tự nhận là đã từng ăn trộm cách đây vài chục năm tại một bảo tàng. Na’aman Lidor, sau khi gây vụ trộm đình đám trên, đã đổi tên từ tên thật là Na’aman Diller và đã trốn tránh thành công cho đến cuối đời mình. Khi các nhà điều tra vào cuộc, họ khám phá ra rất nhiều đồ vật rất giá trị, trong đó có “Nữ Hoàng”, được gói một cách cẩu thả trong tờ giấy báo và bám đầy bụi bặm. Kết quả điều tra của vụ trộm thế kỷ này được thông báo vào năm 2008, trùng với năm Hayek công bố phiên bản tái bản của chiếc đồng hồ huyền thoại “Nữ Hoàng Marie Antoinette”. Hiện tại, phiên bản gốc lại quay lại về Bảo tàng Nghệ thuật Hồi giáo, lần này được nằm trong hai, ba lớp kính chống đạn…
Nguồn : timeandwatches.com, Bảo Quang